“TRỐN” CÁCH LY Y TẾ SẼ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM GÌ?
Đối với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc tự giác, ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho người khác là hết sức quan trọng, đồng thời giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh lan rộng là việc làm hết sức cần thiết và thiết thực.
Tuy nhiên, vừa qua như báo Tuoitre.vn ngày 09/03/2020 đưa tin, Chủ tịch HĐQT một Công ty điện gió (người theo cơ quan chức năng có khả năng nhiễm Covid-19) thuộc diện phải cách ly lại thực hiện một việc không thể ngờ là “tráo” cấp dưới đi cách ly thay mình, đây là việc làm hết sức nguy hiểm cho xã hội.
Hãy cùng Inlaw điểm qua một số quy định của pháp luật điều chỉnh hành vi của vị Chủ tịch HĐQT này:
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2013 thì:
“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;”
và tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định:
“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.”
Bệnh truyền nhiễm thuộc Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Như vậy, theo quy định trên có 02 khả năng xảy ra là: i) Nếu vị Chủ tịch HĐQT thuộc điện cách ly y tế nhưng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là không nhiễm bệnh thì có thể chịu phạt tối đa lên đến 5.000.000 đồng; ii) Nếu vị Chủ tịch HĐQT thuộc điện cách ly y tế và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì có thể chịu phạt lên đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì vị Chủ tịch HĐQT có thể sẽ chịu trách nhiệm cao hơn. Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định rõ về “ Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Theo đó, tùy vào tính chất của hành vi phạm tội mà người làm lây lan bệnh truyền nhiễm cho người khác có thể sẽ chịu hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm, mức phạt tiền cao nhất lên đến 200.000.000 đồng.
Vì vậy, người có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 trước hết phải khai báo trung thực, tự giác cách ly, khám bệnh đúng nơi quy định, báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất về khả năng mắc bệnh và tuân theo sự hướng dẫn cách ly của cơ quan có thẩm quyền, tuyệt đối không tiếp xúc với nhiều người. Có như vậy mới giúp cơ quan Nhà nước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, góp phần đẩy lùi Covid-19 trong thời gian sớm nhất.